Sông Tô Lịch chết dần

Sông Tô Lịch chết dần

Ngày đăng: 18/07/2025 08:02 AM

Trước khi "chết", Tô Lịch từng là con hào phòng thủ, cùng với sông Hồng tạo thành ba mặt bảo vệ kinh thành. Cố GS Trần Quốc Vượng đã xếp sông Tô vào "tứ giác nước" của Thăng Long. Ông lý giải cạnh phải là sông Hồng, cạnh trái cùng cạnh trên là sông Tô Lịch, còn cạnh đáy là sông Kim Ngưu.

Mùa thu, tháng Bảy, năm Canh Tuất 1010, Lý Thái Tổ dời đô. Theo sử sách, cuộc dời đô diễn ra bằng đường thủy vào cuối mùa hè, lợi dụng nước lên để không bị mắc cạn. Đoàn thuyền khởi hành từ Hoa Lư cập bến sông Tô Lịch bên thành Đại La, đánh dấu nơi định đô của nước Việt đến tận bây giờ.

Tô Lịch cùng hệ thống sông ngòi của kinh đô khi ấy được kết nối với nhau, tạo nên mạng lưới giao thông thủy. Thuyền bè có thể đi từ sông Đáy vào sông Nhuệ, rồi lên kinh bằng sông Tô. Hoặc từ "quân cảng" Đông Bộ Đầu và thương cảng trên sông Hồng qua Tô Lịch, sang sông Nhuệ, ra sông Đáy rồi ra biển.

Nương theo dòng chảy Tô Lịch, 30 làng xã ven sông ra đời, rồi thịnh suy theo dòng nước. Nghĩa Đô, Yên Thái làm giấy dó, Định Công Thượng có nghề kim hoàn. Dân làng Lủ, làng Láng hay chèo thuyền ngược sông, mang chả cá, bánh kẹo, rau húng... vào trong kinh buôn bán. Sản vật Thăng Long được gói gọn trong câu ca Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô làng Sét, sâm cầm Hồ Tây.

"Từ hoàng thành tới Ngã Tư Sở có 7 cây cầu. Mỗi cây cầu là lối vào đền, chùa hai bên sông, cũng là nơi dừng chân của vua quan đi vãn cảnh. Tô Lịch không chỉ tạo cảnh quan kinh thành, mà còn là nguyên khí của Thăng Long", nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nói.

Nhiều năm qua, TP Hà Nội loay hoay tìm cách hồi sinh sông Tô Lịch nhưng bất thành. Năm 2009, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đề xuất dùng nước sông Hồng pha loãng mức độ ô nhiễm, làm sống lại sông Tô. Cùng với đề án này, Sở còn đề xuất xây dựng 2 trạm xử lý nước thải, công suất 25.000 m3/ngày đêm ở cống Bưởi và 15.000 m3/ngày đêm tại Cống Vị. Dự kiến hai công trình này khởi công năm 2010. Nhưng mười năm trôi qua, không thấy hai nhà máy được xây dựng.

Đầu năm nay, Công ty thoát nước Hà Nội một lần nữa đề xuất dùng nước sông Hồng làm sạch sông Tô. Đơn vị này tính xây trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây. Khi nào hồ sạch thì dẫn nước từ đây qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa cho sạch. Phương án "vừa dễ làm, vừa tiết kiệm" chi phí khoảng 150 tỷ đồng, đang chờ thành phố chấp thuận.

Nhưng, phương án trên có thể khiến hạ nguồn và các huyện ngoại thành "hứng đủ" nguồn nước ô nhiễm đổ dồn về. Có lần, Hà Nội xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, dòng nước bẩn chảy theo tới sông Nhuệ về tận Hà Nam và bị địa phương này phản ứng.

Nhiều phương án được thử nghiệm nhưng không hiệu quả. Trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội đầu tháng 7, bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm đã mạnh dạn đề xuất "cống hóa một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, ngay cả Tô Lịch, Kim Ngưu".

"Cống hóa dòng sông giống như đổ bê tông đè lên lịch sử", ông Nguyễn Ngọc Tiến phản ứng trước đề xuất trên.Ông nhắc nhở, hãy nhớ cái tên "Hà Nội" có nghĩa là "ở phía trong sông". Thành phố có thể học hỏi các nước cách hồi sinh sông, suối. Chính người Pháp khi xưa cũng hồi sinh sông Nhuệ đã chết bằng cách đào cống, khơi thông dòng chảy, dẫn nước sông Hồng vào. Đi qua nhiều thành phố có sông nước, ông Tiến lại tiếc nhớ Tô Lịch những ngày còn xanh.